'Bậu ơi đừng khóc' của Phi Nhung thắng giải Mai Vàng
"Bậu ơi đừng khóc" - Hamlet Trương sáng tác, cố nghệ sĩ Phi Nhung hát - được vinh danh tại Mai Vàng 2021.
Nhạc phẩm vượt qua các đề cử Màu áo anh hùng (Vicky Nhung), Người lạ thoáng qua (Đinh Tùng Huy), Yêu là cưới (Phát Hồ) để chiến thắng hạng mục "Ca khúc xuất sắc" giải Mai Vàng lần thứ 27, công bố ngày 12/1.
Khi biết tin, Hamlet Trương xúc động vì lần đầu được cầm cúp giải thưởng. Nhạc sĩ gửi lời cảm ơn đặc biệt đến cố nghệ sĩ Phi Nhung vì đã góp phần lan tỏa ca khúc. Hamlet Trương nói: "Bài hát là sự cộng hưởng, kỷ niệm giữa tôi, chị Phi Nhung và người thể hiện đầu tiên - Lộ Lộ. Tôi muốn dành giải thưởng này cho họ".
Phi Nhung hát "Bậu ơi đừng khóc" hồi tháng 5/2021. Video: YouTube Phi Nhung
Bậu ơi đừng khóc thuộc thể loại bolero, nói về phận đời ở các gánh hát lô tô. Ca khúc lần đầu ra mắt qua giọng hát của Lâm Quốc Khải (Lộ Lộ) hồi tháng 12/2019, sau đó ca sĩ Phi Nhung ngỏ lời hát lại. Khi nghệ sĩ qua đời hồi tháng 9/2021, nhạc phẩm được chia sẻ nhiều, gây xúc động, đến nay hút hơn năm triệu lượt xem trên YouTube. Hamlet Trương nói: "Thời gian đó đi đâu tôi cũng nghe mọi người bật ca khúc. Có lần tôi dừng xe đèn đỏ, nhìn qua bên kia đường thấy người dân đang hát karaoke bài này. Lòng tôi vui buồn lẫn lộn khi ca khúc thành hit nhưng làng nhạc đã mất đi một nghệ sĩ lớn".
Hamlet Trương và Phi Nhung tại chương trình "Solo cùng bolero" năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hamlet Trương nhớ những lần gặp Phi Nhung ở các chương trình truyền hình, trò chuyện qua điện thoại. Nhạc sĩ nói: "Tôi ấn tượng cách chị làm nghề, luôn dành sự tôn trọng cho tác phẩm mà nhạc sĩ viết ra. Khi chị ghi âm, từng câu chị đều gọi tôi để hỏi ý kiến. Chị kể trước đây từng thấy nhạc sĩ Thanh Sơn hướng dẫn danh ca Thanh Tuyền từng nốt nhạc và thích tinh thần làm việc đó nên học hỏi. Nghe xong, tôi cảm động vô cùng".
Hamlet Trương nói về cơ duyên với Phi Nhung qua nhạc phẩm "Bậu ơi đừng khóc" hồi tháng 9 năm ngoái. Video: Hamlet Trương Hamlet
Trương tên thật Lê Văn Trương, sinh năm 1988, là nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ. Anh xuất thân với dòng nhạc trẻ qua các ca khúc Luật cho người thay thế, Ai rồi cũng khác, Người yêu cũ có người yêu mới, Thương nhau để đó... Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác nhạc bolero từ năm 2016 với ca khúc đầu tay Lan và Điệp 4 qua tiếng hát của Như Quỳnh. Các cuốn sách bán chạy của nhà văn gồm Tay tìm tay níu tay, Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác, Người lớn không khóc, Mùa chia tay, Sống tiếp và sống tốt...
Lễ trao giải Mai Vàng 2021 sẽ diễn ra vào ngày 20/1 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ba giải ban tổ chức công bố trước, ngoài "Ca khúc xuất sắc" còn có "MV được yêu thích" - Chim quý trong lồng (đạo diễn: Đặng Văn Thắng - Trần Duy Long, nhà sản xuất K-ICM, ca sĩ Văn Mai Hương, nghệ sĩ Lê Bống) và "Chương trình truyền hình được yêu thích" - Siêu trí tuệ Việt Nam.
Mai Vàng được trao từ năm 1995 do Báo Người lao động tổ chức, đến nay là giải thưởng thường niên tôn vinh những nghệ sĩ có những đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tiền thân của Mai Vàng là giải thưởng Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm ra đời vào năm 1991. Các nghệ sĩ đoạt Mai Vàng nhiều nhất gồm Hoài Linh (11), Trường Giang (8, Thành Lộc (8), Đàm Vĩnh Hưng (6)...
Tin cùng chuyên mục
Giám đốc Meta: 2025 là năm bản lề với tiến trình phát triển AI tại Việt Nam
Sáng nay 14/3, Tập đoàn Meta phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Tài chính chính thức khởi động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo 2025, đánh dấu năm triển khai thứ ba của chương trình với mục tiêu thúc đẩy phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Nvidia, Meta, Honeywell… hiến kế, cam kết đồng hành cùng Việt Nam về AI và bán dẫn
Nvidia, Meta, Honeywell… hiến kế, cam kết đồng hành cùng Việt Nam về AI và bán dẫn
Ứng dụng AI trong khu vực công của Việt Nam đang ở đâu?
Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá với AI trong khu vực công, nhưng liệu đã sẵn sàng? Báo cáo từ IPS và UNDP cho thấy dù có những thành công ban đầu, ứng dụng AI vẫn còn hạn chế, thiếu cơ chế tài chính, cơ sở hạ tầng và khung pháp lý rõ ràng. Nếu không nhanh chóng khai mở tiềm năng, khu vực công có thể tụt lại phía sau trong cuộc đua số hóa.