Chủ mới Bamboo Airways hỗ trợ ông Trịnh Văn Quyết tiền khắc phục hậu quả
Nhà đầu tư mới của Bamboo Airways sẽ hỗ trợ ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả. Ảnh: BA
Mới đây, thông tin với báo chí, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways (Bamboo Airways) Nguyễn Mạnh Quân cho biết, hãng này đã tìm được nhà đầu tư mới thay thế cho ông Trịnh Văn Quyết (Cựu Chủ tịch HĐQT) và các cổ đông cũ.
Theo ông Quân, trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, để duy trì hoạt động bình thường và tiếp tục phát triển, Bamboo Airways đã rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu mới có thể hỗ trợ hãng về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu.
"Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ. Với vai trò là Tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới.
Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền", ông Quân khẳng định và cho biết, danh tính của nhà đầu tư mới sẽ được tiết lộ trong tương lai gần.
Ngoài ra, đại diện Bamboo Airways cho biết, trong quá trình hỗ trợ việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các Ngân hàng từ năm 2020.
"Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các Ngân hàng", ông Quân khẳng định.
Bamboo Airways khẳng định sẽ tập trung phát triển 3 thế mạnh cốt lõi để sớm vươn lên giành 30% thị phần hàng không tại Việt Nam
Đồng thời, đại diện Bamboo Airways tiết lộ, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho ông Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.
Bày tỏ sự cảm kích đối với tập đoàn Him Lam, khi tập đoàn này cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng trong giai đoạn khó khăn, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết, Bamboo Airways tập trung phát triển ba thế mạnh cốt lõi, đẩy mạnh phát triển sản phẩm – dịch vụ khác biệt, mang tới cho thị trường nhiều sự lựa chọn mới.
"Đối với thị trường nội địa, mạng bay của chúng tôi đã phục hồi hoàn toàn, tiếp tục hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần trong thời gian tới. Hiện mạng đường bay nội địa của chúng tôi đang kết nối 21/22 sân bay nội địa. Cuối tháng 4, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội, hoàn tất mạng bay nội địa kết nối toàn bộ 22 cảng hàng không Việt Nam", ông Quân nói về sự phục hồi của hãng sau biến cố.
Đối với thị trường quốc tế, nhờ tận dụng tối đa giai đoạn hạn chế bay để hoàn tất các công tác chuẩn bị, Bamboo Airways đã có xuất phát điểm tốt hơn so với giai đoạn trước dịch khi được hòa vào mạng bay quốc tế quy mô lớn.
"Ngay từ đầu năm 2022 khi Việt Nam mở cửa bay quốc tế trở lại, chúng tôi đã đưa vào khai trương nhiều đường bay thường lệ quốc tế mới tới châu Âu, châu Úc…", ông Quân cho biết.
Trước đó, ngày 17/3, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng tài sản thuộc sở hữu của FLC để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long).
Danh sách tài sản đảm bảo chi tiết bao gồm 154,97 triệu cổ phiếu Bamboo Airways của FLC, và quyền tài sản phát sinh từ "Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links" do FLC làm chủ đầu tư, đã triển khai đầu tư theo văn bản số 711/UBND-XDCB do UBND tỉnh Quảng Bình cấp ngày 15/5/2018.
Theo yêu câu của giới lãnh đạo FLC, Bamboo Airways phải có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện các thủ tục giải chấp để hoàn trả cho FLC các tài sản mà FLC đã sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways trong thời hạn 30 này kể từ khi FLC có văn bản thông báo về nhu cầu sử dụng các tài sản bảo đảm nói trên.
"OCB Thăng Long đã nắm rõ các vấn đề liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu FLC của ông Nguyễn Ngọc Trọng (Chủ tịch Bamboo Airways) và ông Doãn Hữu Đoàn (Phó Chủ tịch FLC kiêm Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways), và việc Tập đoàn FLC dùng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways là phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của ngân hàng", Nghị quyết của HĐQT FLC viết.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ của Bamboo Airways được bảo đảm tại OCB Thăng Long bao gồm nhưng không giới hạn ở nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, các khoản phí và tất cả nghĩa vụ liên quan phát sinh từ các hợp đồng tín dụng...
"Đại diện của FLC sẽ trao đổi thống nhất với Bamboo Airways về phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh, về việc đảm bảo các điều kiện vừa nêu trên, về quyền lợi của Tập đoàn FLC khi sử dụng tài sản thuộc sở hữu của FLC để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways", đại diện FLC khẳng định.
Cách đây 1 năm, ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam. Thời điểm ấy, tỷ phú này đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) cho biết đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo điều tra, tổng số tiền bị can Quyết thu về sau khi bán chui hàng chục triệu cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.
Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán "chui" cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.
Tags:
Nguyễn Mạnh Quân
Bamboo Airways
Trịnh Văn Quyết
Tin cùng chuyên mục