13/05/2023 10:45

Hành trình tìm công lý của nữ giảng viên bị chồng bạo hành suốt 3 năm

 

Ngày 27/4, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7 đã xét xử V.V.T. (sinh năm 1992), nguyên Đài trưởng Đài Quan sát biên giới thuộc Quân khu 7, tuyên án 10 tháng tù giam và bồi thường gần 200 triệu đồng chi phí chữa bệnh và thiệt hại thu nhập cho bị hại.

Hành trình tìm công lý của nữ giảng viên bị chồng bạo hành suốt 3 năm

U. bên cạnh xấp bệnh án tại phiên xử sơ thẩm lần 3

Những trận đòn tàn bạo

V.V.T. được mẹ U. chọn lựa và tạo mọi điều kiện tiếp cận U. để đi đến hôn nhân. Tháng 8/2018, đám cưới linh đình với vài trăm quan khách của U. và T. được nhà gái tổ chức lại là khởi đầu cho những trận đòn T. trút lên U.

Khoảng 21g ngày 4 hoặc 5/9/2018, T. càu nhàu, hậm hực vì nhà vợ không cho vợ chồng tiền khách mừng cưới, đồng thời mỉa mai món quà cưới giản dị của cha mẹ vợ - một chiếc đồng hồ quả lắc treo tường và 10 triệu đồng để đi trăng mật.

Sợ chồng hiểu lầm ý của cha mẹ, U. giải thích: “Ba mẹ tặng đồng hồ với ý nghĩa mong vợ chồng mình luôn quý trọng thời gian bên nhau. Còn tiền mừng, vì ba mẹ bỏ tiền tổ chức lễ cưới nên ba mẹ giữ. Ba mẹ cho bao nhiêu thì mình nhận bao nhiêu”. Nghe vậy, T. tát mạnh vào mặt U. và đấm tới tấp vào ngực, vai, lưng… vợ.

Vẫn chưa hả cơn giận, T. túm tóc vợ, nhấn đầu xuống giường, dập đầu vào tường, vừa đánh vợ, T. vừa chửi rủa. Quá đau và sốc, lại sợ gia đình phát hiện, U. đã khóc van xin chồng đừng đánh nữa. Trận đòn “chào sân” của T. với vợ kéo dài 15 phút, mở màn cho chuỗi bạo hành suốt 3 năm hôn nhân.

“Sau trận đòn này, T. đã xin lỗi và tỏ ra rất hối hận nên tôi nghĩ chồng đã biết lỗi, ân hận và có lẽ đây chỉ là hành động bộc phát” - U. kể. Vì vậy, U. đã bỏ qua, thế nhưng, bạo lực không dừng lại.

Dù đang ở nhà hay ngoài đường, hễ không hài lòng vợ là T. sẵn sàng lao vào đánh đập. Dù vậy, U. không nghĩ đó là hành vi bạo hành. Chị tức tưởi nhớ lại: “T đánh rất dã man, đánh vợ như đánh kẻ thù, cứ nhắm vô ngực, bụng, đầu, mặt. Tôi giải thích, trả lời cũng bị đánh, im lặng anh cũng đánh. Vì mới cưới và sợ gia đình biết sẽ lo lắng nên tôi chỉ biết khóc, chịu đựng một mình.

Chồng đánh miết, đến mức tôi nghĩ “chắc mình sai nên mới bị chồng đánh như vậy”. Ngoài ra, sau khi đánh, chồng luôn xin lỗi và vẫn yêu thương mặn nồng, nên tôi đều bỏ qua”.

Khi gia đình của U. phát hiện con gái bị chồng bạo hành nhiều lần, đã yêu cầu T. làm cam kết không đánh vợ. Ngày 10/5/2020, T. đã viết giấy cam kết thừa nhận đã đánh vợ 4 lần và hứa không tái phạm. Thế nhưng, sau đó, T. vẫn không bỏ được tính vũ phu. Cho đến một ngày, sau trận đòn tả tơi, U. chợt thức tỉnh, tự hỏi: “Mình không làm gì sai, tại sao lại để người đàn ông này chà đạp, đánh đập dã man?”.

Hành trình tìm công lý của nữ giảng viên bị chồng bạo hành suốt 3 năm

Mặt sưng, chân bầm, móng chân sứt… là hậu quả những lần U. bị chồng bạo hành

Hành trình thoát khỏi ngục tù

Ngay tối 16/3/2021, U. nói với mẹ ý định ly hôn. Bà H. - mẹ U. - thản nhiên: “Từ từ giải quyết, vợ chồng mâu thuẫn là chuyện thường, có gì mà ly hôn”. Khi U. thể hiện sự quyết tâm ly hôn, bà H. đánh U. vì không nghe lời, đuổi cô ra khỏi nhà, không cho tá túc. Nhà chung của vợ chồng, U. cũng không dám về.

Trong sự đơn độc, đau đớn và tuyệt vọng cùng cực, U. tìm đến đình Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Có nhiều đêm, cứ tối là U. vào đình, ngồi thu lu trên chiếc ghế đá và khóc tới sáng. U. kể: “Suốt hơn 3 năm sống với T., tôi sợ đến mức khóc cũng không dám, vì khóc là T. đánh nữa”.

Cũng như nhiều phụ nữ khác khi bị bạo hành, U. thiếu kiến thức để bảo vệ bản thân. Do không giám định kịp thời, kết quả giám định tổn hại thể chất do bạo hành đã không còn chính xác và thấp hơn rất nhiều so với những thương tật thực tế U. gánh chịu. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, nhiều nguyên nhân khách quan khiến hành trình đi tìm công lý đầy đớn đau và tủi nhục.

Thực sự, cái ngục tù khó vượt nhất chính là sự thao túng tâm lý từ T. cũng như áp lực từ gia đình và những người thân quen. Khí thế, quyết tâm vạch tội chồng ra pháp luật của U. tan như bọt nước khi T. nhắn tin, gửi email xin lỗi, nói lời yêu thương, năn nỉ U. quan tâm sức khỏe của chính U., nhắc U. ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, nhớ đi bác sĩ…

Những tin nhắn này làm bản năng người vợ trong U. mủi lòng. U. bị dằn vặt “liệu mình có quá đáng với chồng, nên chăng cho chồng thêm cơ hội”. Tuy nhiên, khi U. còn đang phân vân thì T. lại lật mặt đe dọa nên U. lại muốn đi đến tận cùng.

Trong hành trình đấu tranh công lý đó, U. đơn độc chống lại bao thế lực: gia đình, họ hàng và cái định kiến thiển cận ăn sâu bao đời nay của người Việt: tố cáo chồng là việc trái đạo lý. Mỗi ngày, suy nghĩ tự tử, từ bỏ cuộc sống luôn thôi thúc U.

Đã nhiều lần, U. đứng giữa lằn ranh sinh tử, nhưng ngay lúc chuẩn bị chọn cái chết, U. lại sực tỉnh và nhận ra “người phải trả giá là kẻ bạo hành, chứ không phải là mình - một nạn nhân”. Động lực lớn nhất để U. đi tố cáo, vì U. mong muốn môi trường quân đội thiêng liêng không còn những người côn đồ như T. Trên hết, U. muốn đi đến tận cùng để không còn người phụ nữ nào chịu cảnh bạo hành giống mình.

U. ôm xấp hồ sơ bệnh án, hình ảnh tổn thương cơ thể do bị chồng bạo hành chính thức đi tố cáo ở đơn vị của T. và nhiều cơ quan khác. Ngày 15/4/2021, U. được Bệnh viện Tâm thần TPHCM chẩn đoán bị trầm cảm mức độ F32.2 (mức độ nặng).

Và khi đơn tố cáo của U. được thụ lý, U. đã được Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM trưng cầu giám định với kết quả: tổn thương về tâm thần là 22,77%. Và tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 1% (Trung tâm Giám định pháp y TPHCM kết luận). Tổng tỉ lệ về tổn thương do thương tích và tâm thần của U. là 23,77%. V.V.T. đã bị Viện kiểm sát Quân sự truy tố về tội “Hành hạ vợ”. Tuy nhiên, U. tố cáo chồng bạo hành cô 19 lần (là những trận U. còn nhớ được mốc thời gian), nhưng Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 7 truy tố 6 lần - là những lần có chứng cứ.

Cứ ngỡ xong phiên sơ thẩm, bản án 10 tháng tù giam với tội danh “Hành hạ vợ” của T. sẽ làm U. nhẹ lòng. Nhưng, U. ngồi sụp xuống khóc như mưa: “Khủng khiếp quá”. Ký ức bị bạo hành đầy ám ảnh mà U. chỉ muốn quên thường xuyên bị xới lại trong suốt quá trình đi tố cáo, điều tra và xét xử; đau nhất là U. bị chính người mẹ rứt ruột đẻ ra cô bỏ mặc. Trước tòa, mẹ U. thể hiện sự kiên định bảo vệ đến cùng kẻ đánh đập dã man con gái mình.

Khủng khiếp, dũng cảm và can trường là những cụm từ mà nhiều người nhắc đến U. Tuy vậy, những tính từ này không thể nói hết những gì cô gái trẻ đã chịu đựng suốt mấy năm qua. U. không xem phiên xử như chiến thắng của mình.

U. tâm sự: “Tôi mong trên đời không còn người phụ nữ nào giống mình. Khi bị bạo hành, đừng im lặng, phải lên tiếng để bảo vệ mình. Vì tôi chịu đựng và im lặng, giấu gia đình nên mới bị bạo hành kéo dài, gây hậu quả trầm cảm nặng vậy”.

Nạn nhân cần làm gì?Bước 1: Bảo vệ bản thân

Khi bị bạo hành, hãy tìm cách chạy ra khỏi nhà và tìm đến nơi an toàn (nhà hàng xóm, nhà tạm lánh, báo công an…).

Tránh làm sự việc thêm trầm trọng, tạm thời nhượng bộ để tránh sự bạo hành hung bạo hơn. Cố gắng không cho họ biết bạn có kế hoạch rời đi.

Bước 2: Lập kế hoạch chấm dứt mối quan hệ ngay lập tức

Thường sẽ rất khó để kết thúc mối quan hệ bạo hành. Sự việc có thể phức tạp do còn liên quan tới vấn đề chăm sóc con cái, tài chính, tôn giáo, gia đình… Tuy nhiên, điều đầu tiên nên làm là nghĩ các điều kiện cơ bản để bản thân được an toàn, sau đó mới lo lắng về những khó khăn này. Nên nhờ sự giúp đỡ và tư vấn của chính quyền địa phương, luật sư, trợ giúp pháp lý…

Bước 3: Thu thập chứng cứ về việc bạo hành

Để có thể tố cáo và chấm dứt hành vi bạo hành của người bạo hành, điều quan trọng là bạn phải thu thập được chứng cứ; ví dụ như clip đánh đập, hình ảnh về vết thương của bạn và đồ vật bị vỡ trong suốt quá trình bạo hành gia đình, các kết quả xét nghiệm những tổn thương cơ thể, nhật ký, thư xin lỗi từ người bạo hành…

Bước 4: Báo cho cơ quan có thẩm quyền

Sau khi thực hiện các bước trên thì nạn nhân của bạo lực gia đình có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hoặc yêu cầu xử lý đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh (Đoàn Luật sư TPHCM)

Giang Thùy

   

Tags:

bị bạo hành

Tin cùng chuyên mục