Ngành y tế lên tiếng về ca đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong ở Việt Nam
Theo Sở Y tế TP.HCM, người đàn ông bị nhiễm trùng toàn thân, suy đa tạng và không qua khỏi sau 18 ngày điều trị tích cực. Đây là ca tử vong đầu tiên có liên quan đến đậu mùa khỉ tại Việt Nam.
Ngày 25/10, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin nhanh về ca tử vong đầu tiên có liên quan đến đậu mùa khỉ tại Việt Nam. Báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy đây là một bệnh nhân nam, sinh năm 1994, ngụ tại Long An.
Người bệnh nhập viện ngày 2/10 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Sau đó, bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với Mpox (virus đậu mùa khỉ). Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.
Quá trình điều trị, người bệnh bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.
Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng, người bệnh tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.
Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo chính thức về trường hợp này.
Tính đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho 20 ca đậu mùa khỉ, trong đó 18 ca đồng nhiễm HIV. Hai trường hợp đang diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi/mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu người bệnh có miễn dịch tốt. Bệnh diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường,…).
Các triệu chứng nặng của đậu mùa khỉ bao gồm tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.
Hiện nay, đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, được dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế xếp bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, quan hệ tình dục.
Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày, một số trường hợp chuyển biến nặng.
Các triệu chứng thường gặp là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn.
Một bệnh nhân đậu mùa khỉ tại TP.HCM tử vongBệnh nhân nhiễm virus đậu mùa khỉ được điều trị nhiều ngày tại bệnh viện chuyên khoa, sau đó tử vong. Nguyên nhân được cho là do tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh.
Bình luận
Tags:đậu mùa khỉ
đậu mùa khỉ tử vong
bệnh đậu mùa khỉ
mpox
triệu chứng đậu mùa khỉ
biến chứng đậu mùa khỉ
Tin cùng chuyên mục