15/08/2024 09:37

Nghiên cứu gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng và cải tạo nhà ở

Với tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau", cần nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình.

Nghiên cứu gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng và cải tạo nhà ở

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

Chiều 14-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn chính sách xã hội tăng mạnh, hỗ trợ 21 triệu lượt hộ nghèo

Theo báo cáo, trong 10 năm đã có 238.338 tỉ đồng được huy động, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỉ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%.

Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỉ đồng. Đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Từ đó giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy vậy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ủy thác tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một số chính sách tín dụng mặc dù có điều chỉnh nâng mức cho vay nhưng việc triển khai còn chậm (chương trình tín dụng cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay đối với vùng khó khăn...).

Vì vậy giải pháp tập trung trong thời gian tới đó là cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội. Thực tiễn chứng minh mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụngNgân hàng Chính sách xã hội triển khai trong hơn 20 năm qua là phù hợp.

Vì vậy cần sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng; thực hiện hiệu quả công tác điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động.

Dành nguồn vốn cho chính sách xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững; cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới.

Nghiên cứu cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn…

Mục tiêu là mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.

Nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội…

Bộ Xây dựng và các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỉ đồng (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở).

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, 15.000 tỉ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác. Tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội...

Nghiên cứu gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng và cải tạo nhà ở

Vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội có gói hỗ trợ lãi suất 3.000 tỉ đồng

TTO - Nghị định của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng. Không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với dư nợ quá hạn hoặc được gia hạn nợ.

NGỌC AN

Tags:

gói tín dụng

chính sách xã hội

ngân hàng chính sách xã hội

người nghèo

nhà ở xã hội

Tin cùng chuyên mục