14/03/2023 11:42

Nhật Bản kiên quyết xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

 

Nhật Bản kiên quyết xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Nước nhiễm phóng xạ hiện được chứa trong 1.000 bể chứa gần khu vực lò phản ứng hạt nhân đã bị hư hại ở Fukushima - Ảnh: GETTY IMAGES

Dù vấp phải sự phản đối từ các quốc gia láng giềng cũng như ngư dân trong nước, Chính phủ Nhật Bản vẫn sẽ thực hiện kế hoạch xả thải ra biển hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Lượng nước này dự kiến sẽ bắt đầu được xả vào mùa xuân hoặc mùa hè năm 2023. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - cơ quan điều hành việc xả thải - cho biết việc dồn ứ số nước đó đã ngăn cản việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân không còn hoạt động.

Theo TEPCO, nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được lọc qua hệ thống ALPS, loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, bao gồm cesium và stronti, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium.

Tritium được cho là ít gây rủi ro cho sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người. Tritium cũng khó có thể tích tụ trong cơ thể sống.

TEPCO cũng có kế hoạch pha loãng nước xả thải với nước biển để giảm mức độ tritium có trong nước, giữ mức này thấp hơn 1/40 tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng cho biết việc xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và "sẽ không gây hại cho môi trường".

Ngư dân lo ngại

Ngư dân tại Nhật Bản đã phải chờ rất lâu để khôi phục hoạt động đánh bắt cũng như mong đợi thị trường khả quan trở lại sau thảm họa Fukushima năm 2011 - thảm họa hạt nhân được đánh giá là nghiêm trọng nhất thế giới chỉ sau thảm họa Chernobyl xảy ra năm 1986 ở Ukraine.

Họ lo ngại kế hoạch xả thải ra vùng biển ngoài khơi tỉnh Fukushima của chính phủ có nguy cơ một lần nữa gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên ngành ngư nghiệp.

"Khi thảm họa xảy ra, tôi đã không thể tưởng tượng được đến ngày mình có thể lại bán được nhiều cá", Hãng tin Kyodo News dẫn lời ông Masahiro Ishibashi, 43 tuổi, là ngư dân đang đánh bắt tại cảng Soma, tỉnh Fukushima.

"Việc xả thải có thể sẽ phá hủy mọi thứ đã được khôi phục cho đến nay. Tôi muốn chính phủ và TEPCO có thể cân nhắc hơn về điều này", ông Ishibashi nói thêm.

Theo kế hoạch, nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý sẽ được xả ra ngoài khơi cách bờ biển Fukushima khoảng 1km.

Nhiều ngư đoàn trên khắp nước Nhật vẫn kiên quyết phản đối quyết định xả thải, mặc cho các cam kết hỗ trợ về tài chính của chính phủ nhằm đảm bảo việc hoạt động và bảo vệ uy tín. Trong trường hợp vấp phải phản ứng dữ dội của người tiêu dùng, Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ mua lại cá của ngư dân.

Ngành ngư nghiệp của tỉnh Fukushima vốn được biết đến với hải sản chất lượng cao, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khi sản lượng đánh bắt của tỉnh này năm ngoái chỉ đạt 20% so với mức trước năm thảm họa xảy ra.

Nhật Bản kiên quyết xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Ngư dân tại cảng Soma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản - Ảnh: KYODO NEWS

Phản đối từ các nước láng giềng

Tháng 2-2023, Trung Quốc và Nga bày tỏ quan ngại về quyết định của Nhật Bản tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

"Đáng tiếc là cho đến nay phía Nhật Bản vẫn chưa đưa ra những lời giải thích dựa trên cơ sở khoa học và đáng tin cậy về một số quan ngại chủ chốt", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Trương Quân xoáy mạnh về tính hợp pháp và mức độ tin cậy của dữ liệu thu thập được của nước phóng xạ đã qua xử lý.

Trong khi đó, Nga chỉ trích Nhật Bản vì đã không tìm kiếm sự đồng thuận trong việc xả thải nước nhiễm phóng xạ ra biển từ các nước láng giềng.

"Khi đưa ra quyết định, những người đồng cấp của chúng tôi tại Nhật Bản đã không nghĩ đến việc phải thảo luận việc này với các nước lân cận", Hãng tin Kyodo News dẫn lời ông Dmitry Chumakov, phó thường trực của phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc.

Tags:

chính phủ nhật bản

fukushima

phóng xạ

nhiễm phóng xạ

xả thải

nhà máy điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục