Nỗi lòng của Thi hành án dân sự: Pháp lý tài sản không rõ ràng
Ông Trần Phước Thu, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng - Ảnh: TUYẾT MAI
Ngày 11-11, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp phối hợp Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế.Tại hội thảo, ông Trần Phước Thu - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, cho biết số tiền phải thi hành án của TP Đà Nẵng đứng thứ ba toàn quốc. Trong đó, vụ Phan Văn Anh Vũ có số tiền thi hành án lên đến hơn 4.000 tỉ đồng, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã thi hành án được 1.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng còn có 6 vụ việc rất lớn đang thi hành án. Trong đó, có vụ Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh suốt từ năm 2017 đến nay, giá trị thi hành án trên 4.000 tỉ đồng. Liên ngành trung ương lẫn địa phương họp rất nhiều, địa phương từng bước tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa xong. Vì vậy khối lượng tiền phải thi hành án này Cục Thi hành án phải gánh chịu suốt nhiều năm.
Đối với khoảng 60.000 m2 khu trung tâm thương mại, thể dục thể thao TP Đà Nẵng (sân vận động Chi Lăng), mặc dù chính quyền địa phương và các ban ngành hỗ trợ rất hỗ trợ rất tích cực nhưng đến nay 100 hồ sơ đền bù giải tỏa thì còn 12 hồ sơ chưa bàn giao
Ông Thu cho rằng để thi hành được các bản án này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và liên ngành trung ương.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết đối với 28 tài sản của Phan Văn Anh Vũ, khi cơ quan thi hành án xuống xác định hiện trạng thì đã tiếp nhận rất nhiều đơn thư tranh chấp, một ngày hàng chục đơn.
Bởi khi cơ quan điều tra kê biên để đảm bảo thi hành án, tránh trường hợp tẩu tán nhưng kê biên không rõ tình trạng pháp lý, trong đó có những trường hợp tài sản đã bán cho người khác. Tòa tuyên giao cơ quan thi hành án tiếp tục duy trì kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng cơ quan thi hành án không thể thi hành được.
Muốn thi hành được, cơ quan thi hành án phải xác minh tình trạng pháp lý, tài sản có còn của người phải thi hành án không. Do cơ quan thi hành án không thể xác minh nguồn tiền từ đâu để có tài sản này nên phải đề nghị tòa thụ lý tranh chấp. Nhưng tòa cho rằng tài sản này đã được xử lý bằng bản án khác nên trả lại đơn, khiến vụ việc lòng vòng không thể thi hành án được.
Trong số 28 tài sản, có 2 tài sản đang hoãn thi hành án, đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Có 5 tài sản kê biên lệch so với thực tế, kê biên nhà cấp 4 nhưng khi cơ quan thi hành án xuống thì lại là tòa nhà nguy nga, nên phải đề nghị giải thích, kéo dài vụ việc.
Ông Thu cho rằng nếu bản án tuyên lệch thì cơ quan thi hành án rất vất vả. Từ cơ quan điều tra, đến tòa tuyên, đến thi hành án là cả thời gian dài. Cơ quan thi hành án là khâu cuối, tháo gỡ tất cả các vướng mắc từ các khâu trước đó nhưng lại bị "mang tiếng" thi hành án chậm.
Theo ông Thu, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cần phải ngồi lại với nhau để làm sao cho việc thi hành án thuận lợi, phong tỏa, xác minh, kê biên phải rõ ràng tình trạng pháp lý.
Các ngành phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn của mình, cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm tình trạng pháp lý khi kê biên. Tòa phải thẩm tra lại tình trạng pháp lý cho chặt chẽ để cơ quan thi hành án căn cứ nội dung bản án thi hành.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng...
TUYẾT MAI
Tags:thi hành án
ông trần phước thu
thu hồi tài sản tham nhũng
Tin cùng chuyên mục