06/07/2024 15:50

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ tăng nhẹ nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ tăng nhẹ nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài

Quy mô dân số Việt Nam đã hơn 100 triệu người, tuổi thọ người Việt Nam được cải thiện nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp, thời gian sống với bệnh tật kéo dài.

Theo Cục Dân số, Việt Nam vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân được nâng cao, đạt 73,7 tuổi năm 2023, đồng thời vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới. Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện.

Mặc dù tuổi thọ của người dân được cải thiện nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại thấp, chỉ đạt 63,2 tuổi khỏe mạnh với nam và 70 tuổi ở nữ.

Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, dù tuổi thọ tăng, nhưng người cao tuổi nam giới có 8 năm phải sống chung bệnh tật, và ở nữ giới, con số này là 11 năm. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ tăng nhẹ nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài

Tuổi thọ của người dân Việt Nam có cải thiện nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại thấp (Ảnh minh họa)

Cũng theo Cục Dân số, công tác dân số của nước ta vẫn còn những khó khăn, thách thức như chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh; tỷ số giới tính khi sinh cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chậm khắc phục.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều.

Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai dẫn đến việc tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, có xu hướng giảm nhưng không bền vững.

Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi…

Trước thực tế đó, các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, là nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

Để tạo ra sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tham gia của các ngành, đoàn thể. Bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.

“Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Thúy Ngà

Tags:

Việt Nam vượt 100 triệu dân

công dân thứ 100 triệu

tuổi thọ của Việt Nam

Tin cùng chuyên mục