5 loài cây trồng trong nhà đuổi muỗi phòng dịch sốt xuất huyết
1. Cây ngũ gia bì
Ngoài tác dụng trang trí, làm điểm nhấn không gian nhà ở, cây cảnh ngũ gia bì được các chuyên gia công nhận ứng dụng hữu ích trong việc đuổi muỗi và làm thuốc. Đồ họa: Khương Duy
Người dân sinh sống ở khu vực ẩm thấp thường trồng loài cây này trong khuôn viên nhà. Công dụng xua đuổi muỗi của cây cảnh ngũ gia bì đã được ghi nhận trong cuốn Dược điển Việt Nam.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu của Cục hàng không Mỹ, cây cảnh ngũ gia bì có khả năng chống ô nhiễm, điều hòa khí hậu, loại bỏ được khí độc Formaldehyd. Cây ngũ gia bì còn là cây cảnh được dùng để làm thuốc chữa bệnh. Cụ thể, đây là loại dược liệu quý trong Đông y, vị thuốc quan trọng trong trị bệnh xương khớp, an thần, chống suy nhược cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch.
2. Cây hương thảo
Hương thảo là loại cây được ưa chuộng ở Việt Nam vì có nhiều tác dụng như tăng khả năng tập trung, làm gia vị nấu nướng, giúp thư giãn và có khả năng đuổi muỗi.
Đồ họa: Khương Duy
Cây hương thảo có mùi thơm dễ chịu. Nhiều người cho rằng mùi thơm từ tinh dầu của nó có thể đuổi muỗi một cách tự nhiên mà không cần sử dụng các loại thuốc diệt muỗi có mùi khó chịu trên thị trường.
3. Cây tùng thơm
Tùng thơm chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho cây cảnh trong nhà bạn bởi bên cạnh tác dụng trang trí với kiểu dáng đẹp mắt, loại cây này còn có tác dụng đuổi muỗi tốt với hương chanh thoang thoảng rất dễ chịu, tốt cho tinh thần.
Đồ họa: Khương Duy
Ngoài ra với những người tin vào phong thủy, tùng là loài cây đứng đầu trong "tứ qúy" gồm: tùng - cúc - trúc - mai. Vì vậy loài cây này được khá nhiều người lựa chọn.
4. Cây bạc hà
Bạc hà được xem là một trong số những loại thảo dược được ưa chuộng. Tinh dầu bạc hà có chứa chất ngăn chặn muỗi hiệu quả gấp 10 lần Deet - thành phần có trong các loại thuốc diệt côn trùng.
Đồ họa: Khương Duy
Đặc biệt, loại cây này khá dễ gieo trồng và chăm sóc trong nhà. Bạn nên đặt một vài chậu bạc hà ngoài ban công hoặc trên bậc cửa sổ, bàn bếp, vừa có thể chống muỗi, côn trùng, vừa dùng trang trí nhà hiệu quả và đôi khi có thể sử dụng như một loại gia vị bổ dưỡng.
5. Cây oải hương
Mùi hương của hoa oải hương giúp làm rối loạn sự tập trung cũng như khả năng định hướng của ruồi, muỗi, côn trùng... từ đó vô hiệu hóa khả năng tấn công con người của chúng.
Đồ họa: Khương Duy
Bạn có thể trồng hoa oải hương như một loại cây đuổi muỗi trong nhà hoặc dùng hoa khô bỏ vào các túi thơm, treo gần cửa, những nơi ẩm thấp mà ruồi, muỗi hay tập trung để xua đuổi chúng một cách hiệu quả.
Ngoài việc trồng cây đuổi côn trùng, một trong những biện pháp được ngành Y tế khuyến cáo người dân chung tay phòng sốt xuất huyết là dành thời gian dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng .
Bạn cũng nên đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngành Y tế khuyến cáo, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh cơ bản, hiệu quả nhất đó là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Tags:
Cây ngũ gia bì
Trang trí
Cây cảnh
Đuổi muỗi
Cây hương thảo
Cây tùng thơm
Cây bạc hà
Cây oải hương
Diệt côn trùng
Đuổi muỗi
Sốt xuất huyết
Phòng sốt xuất huyết
Tin cùng chuyên mục