Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, Vietnam Airlines bứt phá
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 15/12 diễn biến theo xu hướng nhích tăng dần trong bối cảnh lực đẩy cho thị trường không còn mạnh mẽ. Khối ngoại đã giảm mua trong 1-2 phiên gần đây.
Tới 10h12', chỉ số VN-Index tăng 11 điểm lên trên 1.061 điểm.
Trên thế giới, các thông tin từ thị trường tài chính không có nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên, thông tin Chính phủ nỗ lực ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như việc Ngân hàng Nhà nước nâng chỉ tiêu tín dụng đã hỗ trợ tích cực cho một số nhóm cổ phiếu, trong đó có ngân hàng và bất động sản.
Hôm 13/12, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời điểm áp dụng Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong bối cảnh thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Đến 14/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Thông tin Trung Quốc thay đổi mạnh chính sách zero-Covid và sẽ sớm mở cửa rộng rãi, cùng với tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm khá nhanh, cũng là tin tốt với nhiều nhóm ngành, trong đó có hàng không.
VN-Index tăng hơn 11 điểm. (Nguồn: FPTS)
Cổ phiếu VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng sáng 15/12 ghi nhận giao dịch tăng mạnh. Tính tới 10h, đã có 30 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Cổ phiếu này có lúc tăng trần lên 18.200 đồng/cp. Giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào thương vụ VPB với SMBC có thể được chốt trong năm nay. Tuy nhiên, để làm vậy, SMBC phải thoái xong vốn tại Eximbank.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng khá như: VIBBank (VIB), TPBank (TPB), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), BIDV (BID), Vietcombank (VCB),...
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng nhẹ 400 đồng lên 61.200 đồng/cp.
Cổ phiếu hàng không Vietnam Airlines tăng trần thêm 900 đồng, lên 14.250 đồng/cp.
Thông tin mới nhất cho biết, Trung Quốc ngừng xét nghiệm diện rộng và ngừng đếm số ca nhiễm. Đây là một sự thay đổi nhanh chóng, điều đó cho thấy Trung Quốc đang hướng đến giai đoạn “sống chung” với Covid, khép lại chính sách zero-Covid.
Rạng sáng 15/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp cuối cùng năm 2022 đã tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) thêm 50 điểm cơ bản đúng như tuyên bố của chủ tịch Fed Jerome Powell và kỳ vọng của giới đầu tư, đưa lãi suất FFR lên 4,25%-4,5%/năm.
Đây là mức lãi suất chuẩn cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Trong biểu đồ “dot-plot” mới nhất, Fed có thể nâng lên mức đỉnh 5,1% trong năm 2023, trước khi được dự báo giảm 1% trong 2024 và giảm thêm 1% trong năm 2025.
Đồng USD tiếp tục yếu đi sau quyết định của Fed, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng rớt xuống.
Đồng USD giảm qua đó khiến áp lực tỷ giá bớt căng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - giảm khoảng 0,4% so với trước cuộc họp xuống còn 103,62 điểm (rạng sáng 15/12 giờ Việt Nam).
Với mức 103,62 điểm như hiện tại, đồng USD đã giảm 9,9% so với đỉnh, nhưng còn cao hơn gần 8,2% so với đầu năm.
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau quyết định của Fed. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 142 điểm (-0,4%) xuống 33.966,35 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay 15/12 là phiên đáo hạn phái sinh nên có thể có nhiều biến động. Ngày 16/12, thị trường chứng kiến hoạt động cơ cấu quỹ.
Tags:Cổ phiếu
ngân hàng
chứng khoán
Tin cùng chuyên mục