Người mẹ trẻ lưng vác núi, tay ôm hy vọng hiện ra sao sau 13 năm?
“Một túi hành lý cao hơn người, một chiếc ba lô căng phồng chật cứng ở tay trái và một em bé sơ sinh ở tay phải”.
Ngày 30/1/2010, chỉ còn nửa tháng nữa đến Tết Nguyên đán, một bức ảnh ấn tượng đã chạm đến hàng triệu trái tim ở Trung Quốc.
Cùng ngày hôm ấy, bức ảnh có tựa đề “Con ơi, mẹ đưa con về” được Cục nhiếp ảnh Tân Hoa Xã tổng hợp và phát hành trong chùm khoảnh khắc “Xuân vận” (hành trình về quê ăn Tết) ấn tượng nhất năm.
Bức ảnh “Con ơi, mẹ đưa con về” đã trở thành bức ảnh ấn tượng nhất trong chùm khoảnh khắc "Xuân vận" năm 2010 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhuanet
Phải đến năm 2021, 11 năm sau, nhân vật chính “Mẹ” trong bức ảnh mới được tìm thấy.
Người ta nói “Phụ nữ bản chất yếu đuối nhưng mẹ lại mạnh mẽ phi thường”. Đã 13 năm kể từ khi bức ảnh chụp lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy, người phụ nữ ôm con và túi hành lý to đùng lên đường về quê trong mùa đón năm mới từng chấn động một thời hiện tại ra sao?
Bức ảnh kể chuyện
“Hôm đó tôi đang đeo cái túi, ôm con gái vào lòng, chuẩn bị về quê khám bệnh". Khi phóng viên phỏng vấn vào năm 2021, cô có vẻ hơi ngượng ngùng, không ngờ bản thân đã nổi tiếng từ 11 năm trước.
Người mẹ trẻ này tên Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đến từ một ngôi làng nghèo ở Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn (Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Năm 2010, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, 21 tuổi, ôm con lên đường đến Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc) mưu sinh. Nhắc lại quá khứ sau hơn chục năm, cô hơi buồn bã.
Năm đó, gia đình Ba Mộc Ngọc Bố Mộc vẫn sống trong ngôi nhà bằng đất, mưa thì nhà dột, mùa đông thì gió lạnh lùa qua khe hở. Điều người mẹ trẻ khát khao nhất là có một ngôi nhà “mưa lớn không đột, gió lạnh không lùa”.
Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được. Năm ấy một trận mưa lớn làm ngập úng mùa màng trên đồng, đồng thời, đứa con gái thứ hai chào đời.
Vùng quê nơi Ba Mộc Ngọc Bố Mộc sinh sống. Ảnh: Xinhuanet
Cuộc sống vốn đã không giàu có lại càng khó khăn hơn, đứa trẻ sau khi sinh ra cần được bổ sung dinh dưỡng. Để con gái nhỏ lớn lên khỏe mạnh, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc bắt đầu nghĩ đến việc ra ngoài làm việc, còn chồng ở nhà lo chuyện đồng áng.
Bằng cách này, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đã đến Nam Xương cùng với con gái nhỏ và một chiếc túi hành lý lớn. Không có trình độ học vấn và kỹ năng, cũng không biết tiếng phổ thông, cô chỉ có thể làm công nhân trong nhà máy gạch.
500 NDT/tháng (gần 1,7 triệu đồng) tốt hơn nhiều so với làm ruộng ở nhà. Ba Mộc Ngọc Bố Mộc vui mừng khôn xiết nên càng ra sức làm việc. Cô thường bế con đến công trường rồi để con tự chơi một bên, còn mình thì chuyển gạch.
Tuy nhiên, căn bệnh hiểm nghèo của con gái út đã khiến Ba Mộc Ngọc Bố Mộc phải dừng lại công việc lúc đó. Cô chưa từng đến bệnh viện trong thành phố, không biết đọc và cũng không biết đường đi đến đó. Nghe người ta nói chữa bệnh ở thành phố rất tốn kém, thế là cô quyết định đưa con gái nhỏ về quê.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc của hiện tại. Ảnh: Xinhuanet
Hôm đó là ngày 16/12 Âm lịch, nhà ga Nam Xương chật kín người, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đeo túi hành lý còn cao hơn cả cô, bế con gái nhỏ đang ốm yếu, xách thêm chiếc ba lô. Hình ảnh này đã được phóng viên Chu Khoa chụp lại trong lúc tác nghiệp chủ đề “Xuân vận” (hành trình về quê ăn Tết) cuối năm.
Số phận thật trêu ngươi, sau chuyến đi 3 ngày 2 đêm về quê, con gái út đã qua đời vì trì hoãn thời gian chữa bệnh. Nỗi đau mất con khiến người mẹ trẻ không còn khát khao ra ngoài làm việc nữa.
Hạt nảy mầm từ đau thương
Bi kịch xảy đến với Ba Mộc Ngọc Bố Mộc không chỉ có vậy, sự ra đi của con gái khiến tinh thần và thể chất của cô kiệt quệ, cô khóc suốt ngày ở nhà.
Song dưới sự chăm sóc chu đáo của chồng và con gái lớn, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc dần bước ra khỏi bóng tối, nỗi buồn quá khứ dần vơi đi. Năm 2011, cô sinh thêm một bé gái.
Tưởng rằng hy vọng đã chớm nở nhưng đời thật trớ trêu, bé gái đã qua đời chưa đầy 10 ngày sau khi sinh ra.
Thế nhưng như thể “chai lì” trước đau thương, lần này Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đã lấy lại tinh thần rất nhanh.
“Tôi phải thật mạnh mẽ, không để con phải sống như tôi trong tương lai”.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc trong trang phục truyền thống dân tộc Di. Ảnh: Xinhuanet
Nhớ lại những gì mình đã trải nghiệm trong thời gian làm việc ở thành phố, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc nhận ra thế giới bên ngoài thật thịnh vượng, thật tiên tiến, thật tiện lợi, có rất nhiều thứ chưa từng thấy trong đời, vô số món ăn ngon, những tòa nhà cao tầng bất tận. Cô cũng muốn con mình sống như vậy, thay vì phải canh giữ mảnh đất và ngôi nhà đổ nát từ đời này sang đời khác.
“Bây giờ nghĩ lại, điều kiện ở làng lúc đó rất nghèo nàn, không có ô tô. Người mang thai chỉ có thể sinh con tại nhà, còn trẻ sơ sinh rất dễ tử vong”. Nhiều năm sau, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc vẫn ngậm ngùi rơi nước mắt khi nhớ đến hai con gái đã khuất.
Cô lại nảy ra ý định làm việc ở thành phố lớn, lần này cô muốn đi cùng chồng. Đây cũng là lựa chọn bất lực của rất nhiều gia đình nghèo, nếu ở lại quê hương sẽ không có cơ hội thay đổi số phận.
Song chính sách xóa đói giảm nghèo của chính quyền đã khiến họ quyết định ở lại quê. Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ, gia đình Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đã bỏ toàn bộ cây lương thực, chuyển sang canh tác cây thuốc.
Năm đầu tiên, do trồng không đúng cách và thiếu kinh nghiệm nên năng suất rất thấp, hai vợ chồng chỉ kiếm được 5.000 NDT (gần 17 triệu đồng).
Sang năm sau, thành quả khởi sắc hơn năm đầu.
Từ năm thứ năm trở đi, gia đình Ba Mộc Ngọc Bố Mộc duy trì thu nhập bình quân từ 50.000 đến 60.000 NDT (khoảng 170 - 200 triệu đồng)/năm, cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc cũng sinh thêm đứa con gái. Khoảnh khắc con gái út chào đời, người mẹ trẻ đã thực sự thoát ra khỏi bóng tối quá khứ. Hiện tại cô có hai con gái và một con trai, gia đình 5 người tận hưởng hạnh phúc nơi miền quê bình dị.
Tình mẹ giúp đời nở hoa
Giờ đây khi phóng viên một lần nữa cho cô xem bức ảnh năm đó, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc rất bình tĩnh, ánh mắt cô hướng về ba đứa con thơ đang chơi đùa bên cạnh.
Gia đình họ có được như ngày hôm nay, mọi thứ đều không thể tách rời khỏi sự nỗ lực của cô. Khi đó, gia đình gặp biến cố, họ mất đi nguồn sống, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc một mình chăm sóc con cái và ra ngoài làm việc.
Sau khi trải qua nỗi đau mất con, cô kiên quyết đứng dậy, dũng cảm tiến về phía trước, phía sau không chỉ có gia đình ủng hộ mà còn có trách nhiệm làm mẹ và khát vọng bảo vệ những đứa con của cô.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc cùng chồng và ba đứa con.
Năm 2018, nhờ số tiền tiết kiệm nhiều năm và trợ cấp của nhà nước cho hộ nghèo để xây nhà mới ở quê, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc cùng gia đình vui vẻ chuyển đến chỗ ở mới khang trang hơn.
Điều ước mà cô ấp ủ nhiều năm trước cuối cùng cũng thành hiện thực. Dựa vào chính đôi tay của mình, cảm giác thành tựu này khiến Ba Mộc Ngọc Bố Mộc rất vui mừng và tự hào.
Khi ba đứa con lớn lên và ngày càng cần nhiều tiền hơn, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc quyết định ra ngoài làm việc cùng chồng để tăng thu nhập.
“Được chính quyền và nhiều người giúp đỡ là phúc phần đáng quý, nhưng không nên cứ sống phụ thuộc vào người khác”. Bọn trẻ đã trưởng thành, có thể tự chăm sóc bản thân, hai vợ chồng yên tâm xách hành lý lên đường.
Tại ngư trường huyện Hạ Phố, tỉnh Phúc Kiến, hai vợ chồng bắt đầu nuôi hải sâm, mỗi ngày họ bận rộn từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối.
Hai vợ chồng có thể kiếm được thu nhập hơn 10.000 NDT/tháng (hơn 33 triệu đồng). Dù công việc này vất vả hơn nhiều so với việc làm nông ở quê nhưng Ba Mộc Ngọc Bố Mộc không hề cảm thấy mệt mỏi mà còn rất vui vẻ là đằng khác.
Họ ra ngoài làm việc trong mùa nông nhàn và về quê canh tác trong thời gian còn lại của năm.
“Khó khăn không là gì khi được ở bên gia đình. Khoảng thời gian hạnh phúc nhất mỗi ngày là gọi điện về nhà cho các con vào buổi tối. Nhìn thấy nụ cười của các con khiến tôi bớt mệt mỏi hơn”, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc nói.
Cuộc sống khó khăn nhưng chỉ cần nỗ lực, thay đổi từng chút một và không bao giờ bỏ cuộc thì mọi thứ sẽ nở hoa.
Nguồn: Sohu
Tags:mẹ trẻ lưng vác núi
Tin cùng chuyên mục