Dù có đắng gắt cỡ nào, cứ thêm 1 giọt này mướp giảm hẳn vị đắng, lại giòn ngon hơn
Khi chế biến món mướp đắng, biết một mẹo nhỏ này sẽ giúp món ăn không đắng gắt, vẫn giữ mùi vị đặc trưng.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng... Mướp đắng còn rất nhiều công dụng khác nữa tốt cho sức khỏe.
Mướp đắng có thể ăn sống với ruốc, làm nộm gỏi, xào, hầm, nấu canh, nhồi thịt hấp... mà món nào cũng ngon và hấp dẫn.
Tuy nhiên, chính vì có vị đắng mà không phải ai cũng ăn được loại quả này. Do đó, đầu bếp đã mách một cách giúp bạn khử đi vị đắng của nó vô cùng hữu hiệu là sử dụng một nguyên liệu quen thuộc không phải ai cũng biết - mật ong.
Cách làm cụ thể như sau:
- 2 quả mướp đắng
- Muối, mật ong, giấm trắng
Cách làm:
Bổ đôi quả mướp ra, bỏ ruột và nhớ cạo sạch phần trắng vẫn còn bám xung quanh trong lòng quả mướp đắng. Vì phần trắng này là nguyên nhân gây ra vị đắng chủ yếu của nó.
Sau khi mướp đắng được rửa sạch, đem thái lát vừa ăn.
Cho mướp đắng vào ngâm trong chậu nước sạch. Sau đó cho một vài giọt mật ong vào. Mật ong giúp bạn có thể loại bỏ vị đắng của quả mướp đắng.
Sau đó đun sôi một nồi nước, thêm chút muối tinh, một ít giấm trắng và thêm 1 ít mật ong vào. Cho mướp đắng vào chần nhanh trong 30 giây. Mục đích của việc này là để loại bỏ hiệu quả vị đắng của mướp, đồng thời làm mướp đắng sau khi chần có màu sắc xanh đẹp hơn. Muối còn ngăn ngừa mất vitamin có trong mướp.
Sau khi chần xong, cho ngay mướp đắng vào chậu nước lạnh cho nguội. Việc ngâm hoặc xả mướp đắng bằng nước lạnh sau khi chần xong là để làm nguội nó, tránh nó bị úa vàng vì vẫn còn nóng do chần nước.
Như vậy khâu khử vị đắng của mướp đã xong, giờ bạn chỉ việc thoải mái xào nó với nguyên liệu mình thích thôi.
Gợi ý một số món ngon từ mướp đắngMướp đắng xào trứng
Bước 1: Sơ chế mướp đắng
Mướp đắng mua ở chợ về đem rửa sạch, ngâm nước muối để loại bỏ hết vi khuẩn rồi loại bỏ phần ruột. Đem thái miếng mướp đắng vừa ăn. Nên thái vát để trông món ăn hấp dẫn hơn.
Bước 2: Cách Xào mướp đắng với trứng
Tiếp đến, bạn đem đánh trứng cùng với một chút đường và nước mắm.
Bắc chảo sạch lên bếp cho nóng rồi thêm chút dầu ăn. Đợi dầu sôi cho thêm hành khô băm nhỏ phi vàng. Cho mướp đắng vào xào chín, nêm thêm chút gia vị cho vừa ăn.
Khi mướp đắng gần chín, bạn cho trứng đã đánh tan vào đảo đều. Trứng sẽ bám quanh mướp đắng.
Bước 3: Hoàn thành
Thử lại và nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Trút món ăn ra dĩa và rắc thêm hành lá, hạt tiêu cho hấp dẫn.
Món mướp đắng xào trứng sẽ ngon hơn khi ăn cùng cơm trắng khi còn nóng.
Mướp đắng nhồi thịt hấp
Nguyên liệu
4 quả mướp đắng
200g thịt heo xay
2 củ hành khô
3-4 tép tỏi
5g mộc nhĩ, nấm hương
1/4 củ cà rốt
Hành lá, mùi tàu (ngò gai)
1-2 quả ớt
300g-500g xương heo để ninh nước dùng
Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, bột canh, hạt tiêu xay
Cách làm
Bước 1: Sơ chế mướp đắng
Mướp đắng cắt bỏ phần cuống, rạch 1 đường dọc thân quả, sau đó dùng đuôi thìa nạo phần ruột bên trong. Đặc biệt, muốn mướp đắng đỡ đắng, bạn nhớ cạo hết phần màng trắng bên trong quả.
Rửa sạch mướp đắng, sau đó đem ngâm trong tô nước đá có pha muối hạt khoảng 10-15 phút. Sau đó vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Hành, tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
Cà rốt nạo vỏ, thái sợi rồi băm nhỏ.
Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước ấm, nở mềm thì vò rửa sạch sẽ, sau đó băm nhỏ.
Hành lá, mùi tàu nhặt rửa sạch, 1 ít băm nhỏ cho vào cùng nhân thịt, còn lại thái rối. Riêng hành lá, có thể để riêng khoảng 7-8 sợi dài, rửa sạch, đem chần qua cho dai. Sợi hành này sẽ dùng để buộc mướp đắng sau khi nhồi thịt để phần nhân không bị trào ra ngoài.
Ớt tươi rửa sạch, đập dập.
Bước 3: Ninh xương làm nước dùng
Bạn có thể nấu canh mướp đắng nhồi thịt mà không cần ninh xương, thay vào đó dùng bột nêm. Tuy nhiên, ninh xương giúp cho nước canh mướp đắng ngọt thanh hơn, và có độ liên kết hơn.
Xương heo rửa sạch, chần qua với muối, sau đó đem ninh cùng ít hành khô nướng cho thơm.
Bước 4: Làm nhân thịt nhồi mướp đắng
Thịt heo xay cho vào bát, cho cà rốt, hành tỏi, mộc nhĩ nấm hương đã băm nhỏ vào, nêm cùng với 1 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, trộn đều lên và để nhân thấm gia vị khoảng 20 phút.
Bước 5: Nhồi thịt
Cho nhân thịt vào bên trong quả mướp đắng, lưu ý không nên nhồi nhân quá nhiều, sẽ dễ bị trào ra ngoài. Và cũng không nên nén nhân thịt quá chặt, khiến cho phần nhân này sau khi nấu bị khô.
Sau khi nhồi nhân thịt, dùng dây hành buộc lại để giúp mướp định hình, không bị bung ra trong quá trình nấu.
Bước 6: Nấu canh mướp đắng nhồi thịt
Nước dùng sau khi ninh đã có độ ngọt nhất định, bạn vớt xương và hành khô, hành tây ra, sau đó thả mướp đắng vào cùng với 1-2 trái ớt đập dập. Khi nước sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn gồm có bột ngọt, bột canh, nước mắm. Tiếp tục nấu canh mướp đắng trong khoảng 15 phút.
Khi mướp đắng đã chín, cho hành lá mùi tàu vào, khuấy đều rồi múc canh ra tô và thưởng thức.
Tags:
mướp đắng
cách làm giảm vị đắng
Tin cùng chuyên mục